Tiểu đường là một căn bệnh rất phổ biến ở Việt Nam và ngày càng có xu hướng trẻ hoá. Nguyên nhân của việc này đến từ thói quen ăn uống, luyện tập cũng như sinh hoạt của người trẻ. Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tiểu đường?
Tìm hiểu về bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường được hiểu là tình trạng rối loạn chuyển hoá với lượng đường trong cơ thể tăng cao hơn mức bình thường. Nguyên nhân của việc này là nồng độ insulin trong cơ thể không ở mức ổn định, có thể thiếu hoặc thừa tuỳ từng tình trạng bệnh. Người mắc tiểu đường cần theo dõi, điều trị và thay đổi thói quen ăn uống, vận động để giữ lượng đường trong máu ở mức an toàn.
Bệnh tiểu đường được chia thành 3 loại bao gồm: tiểu đường type 1, type 2 và tiểu đường thai kỳ. Mỗi loại sẽ có đặc điểm và dấu hiệu cũng như cách điều trị khác nhau.
Dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tiểu đường
Dấu hiệu của bệnh tiểu đường ở mỗi người không giống nhau, có những loại tiểu đường sẽ không có triệu chứng, chỉ đến khi bệnh trở nặng mới xuất hiện các triệu chứng nặng.
Triệu chứng giúp nhận biết sớm tiểu đường type 1
Tiểu đường type 1 là bệnh lý do hệ thống miễn dịch bị tấn công và các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tuỵ bị phá huỷ một phần. Như vậy cơ thể sản xuất rất ít hoặc không thể sản xuất insulin khiến lượng đường trong máu tăng. Với loại tiểu đường này, người bệnh cần phải điều trị bằng insulin suốt đời để cải thiện tình trạng bệnh. Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh tiểu đường type 1 như sau:
- Hay có cảm giác đói và người mệt mỏi uể oải: Khi thức ăn vào trong cơ thể sẽ được chuyển hoá thành glucose để tế bào sử dụng lấy năng lượng. Tuy nhiên để hấp thụ được glucose thì cần insulin. Khi bị tiểu đường, nồng độ insulin giảm khiến tế bào không hấp thu được từ đó không có năng lượng. Điều này khiến bạn dù ăn no nhưng vẫn cảm thấy đói nhanh và cơ thể luôn uể oải, mệt mỏi.
- Sút cân nhiều: Vì cơ thể không hấp thu được năng lượng nên người bệnh sẽ bị sút cân liên tục mặc dù ăn nhiều và không ăn kiêng hay giảm cân.
- Thường xuyên đi tiểu và cảm giác khát nhiều: Khi lượng đường trong máu cao, thận sẽ đào thải nhanh khiến nước tiểu nhiều làm cho người bệnh thường xuyên buồn tiểu. Bên cạnh đó, đi tiểu nhiều cũng sẽ khiến cơ thể mất nước, do đó sẽ thấy khát hơn bình thường. Một người khoẻ mạnh thường đi tiểu 4 – 7 lần trong ngày nhưng người bị tiểu đường sẽ đi với số lần nhiều hơn.
- Khô miệng, ngứa da và giảm thị lực: Tình trạng mất nước khi đi tiểu nhiều sẽ khiến miệng bị khô, da thiếu ẩm nên khô và ngứa, mắt sưng và mờ đi trông thấy.
Bệnh tiểu đường type 2 và các triệu chứng
Tiểu đường type 2 là tình trạng bệnh lí do đề kháng insulin. Điều này được hiểu là dù cơ thể sản xuất đủ insulin nhưng không thể sử dụng đúng cách hoặc insulin không thực hiện đúng chức năng.
Ở loại tiểu đường này, bệnh diễn biến rất âm thầm và thậm chí không hề xuất hiện bất kì triệu chứng bất thường nào của cơ thể. Vì vậy bệnh tiểu đường type 2 rất khó nhận biết qua dấu hiệu. Tuy nhiên bạn có thể để ý nếu xuất hiện 2 dấu hiệu sau đây thì nên đi xét nghiệm glucose máu để được chuẩn đoán sớm nhất.
- Nhiễm trùng nấm men: Tình trạng này thường phát triển ở các vùng da ẩm như giữa ngón tay, ngón chân, dưới ngực, trong và xung quanh cơ quan sinh dục.
- Vết thương khó liền: Khi lượng đường trong máu cao sẽ ảnh hưởng đến lưu lượng máu và tổn thương thần kinh khiến cho việc tự chữa lành của cơ thể giảm sút. Lúc này các vết thương như đứt tay, trầy xước rất lâu hoặc khó lành.
Dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ là sự rối loạn lượng đường trong máu khi mang thai. Cơ thể khi mang thai cần nhiều năng lượng hơn bình thường nên cơ thể sẽ tự điều tiết sản xuất thêm insulin. Tuy nhiên không phải mẹ bầu nào cũng thuận lợi trong việc điều tiết insulin dẫn đến rối loạn và gây ra tiểu đường thai kỳ. Đây là bệnh thường gặp khi mang thai và chỉ phát triển trong giai đoạn này, sau sinh bệnh sẽ biến mất.
Tiểu đường thai kì không có dấu hiệu rõ ràng, thường chỉ được phát hiện khi được xét nghiệm trong quá trình khám thai. Tuy nhiên, thông thường vẫn có thể nhận biết qua một vài dấu hiệu sau:
- Hay khát nước giữa đêm
- Đi tiểu nhiều hơn mẹ bầu thông thường, lượng nước tiểu cũng nhiều hơn.
- Hay mệt mỏi và thiếu năng lượng.
Điều trị bệnh tiểu đường như thế nào?
Bệnh tiểu đường được điều trị bằng thuốc và chế độ ăn uống, luyện tập. Đối với tiểu đường type 1, cần điều trị bằng insulin đến hết đời vì cơ thể không tự sản xuất được insulin. Bên cạnh đó là kết hợp với chế độ ăn khoa học, ít đường, luyện tập nhẹ nhàng mỗi ngày để cải thiện tình trạng bệnh.
Đối với bệnh tiểu đường type 2 có thể kiểm soát tình trạng bệnh bằng cách thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều đường, tăng cường vitamin và chất xơ. Kết hợp luyện tập thể dục hàng ngày và có thể dùng thuốc điều trị khi cần thiết.
Bệnh tiểu đường có thể xuất hiện ở bất kì ai, bất kì độ tuổi hay giới tính. Do đó, cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày ngay từ bây giờ để hạn chế tối đa nguy cơ mắc tiểu đường. Và khi có các dấu hiệu của bệnh tiểu đường hãy đi khám để được tư vấn liệu trình chữa trị tốt nhất, giúp cân bằng cuộc sống bình thường.